Những chiếc ghế CEO áp lực nhất nước Mỹ
|
Kế nhiệm tỷ phú Warren Buffett tại Tập đoàn Berkshire Hathaway có thể là công việc khó khăn nhất tại Mỹ.
|
1. CEO Tập đoàn GM - Mary Barra
Mary Barra giữ chiếc ghế số một trong tập đoàn General Motors (GM, Mỹ) không có được "thiên thời địa lợi". Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008 qua đi để lại một GM kiệt quệ, từng đệ đơn xin phá sản. Sau thời gian dài vật lộn tự cứu mình, GM rơi tiếp vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt trên thị trường và đây cũng chính là thời điểm bà được tin tưởng giao trọng trách lãnh đạo công ty.
"Nữ tướng" đầu tiên trong lịch sử tập đoàn xe hơi GM lên nắm quyền chưa được bao lâu thì công ty vướng phải khủng hoảng khi liên tiếp có các đợi triệu hồi xe lỗi, được xác định là nguyên nhân của 13 ca tử vong. Sau đó, bà đã phải điều trần trước Quốc hội Mỹ trong 2 ngày liền.
2. CEO Tập đoàn Apple - Tim Cook
Steve Jobs, lãnh đạo vĩ đại nhất của Apple, đồng thời là biểu tượng của làng công nghệ thế giới ra đi để lại cho Tim Cook "chiếc long bào" quá rộng. Ông là người được Steve Jobs lựa chọn và dù có cố gắng rất nhiều, giúp công ty hoạt động trơn tru thì Tim Cook vẫn khó lòng đáp ứng được yêu cầu của cổ đông. Các nhà đầu tư đang ngày càng mất kiên nhẫn khi chứng kiến Apple cho ra mắt những sản phẩm kế tục iPhone và iPad một thời của Jobs.
3. CEO Tập đoàn Microsoft - Satya Nadella
Steve Ballmer không phải là CEO được ưa thích nhất tại Microsoft, có lẽ vì thế khi ông tuyên bố từ chức cuối năm 2013, cổ phiếu của tập đoàn đã tăng 8%. Nadella trở thành CEO thứ 3 trong lịch sử Microsoft, người kế nhiệm Ballmer, được xem là lựa chọn an toàn bởi ông hiểu rất rõ về công ty sau hơn 20 năm làm việc tại đây.
Nadella giờ đây được cả thế giới chú ý, theo dõi từng bước đi trong hành trình chèo lái con thuyền Microsoft, một trong những tập đoàn lâu đời và có lợi nhuận tốt nhất thế giới.
4. CEO Sears Holdings - Eddie Lampert
Sears Holdings (SHLD) là một trong những công ty lớn, thuộc danh sách Fortune 500 và Eddie Lampert là một chuyên gia về lĩnh vực bất động sản. Nhưng giờ đây ông đang phải đóng vai một nhà bán lẻ khi SHLD sáp nhập 2 thương hiệu đang "chết dần" là Sears và Kmart. Việc không hành động gì để cải thiện vị trí của 2 đơn vị trên ở thị trường có thể tác động xấu đến giá trị địa ốc của rất nhiều tài sản thuộc sở hữu của Lampert.
5. Cựu CEO JPMorgan - Jamie Dimon
Jamie là CEO được yêu thích nhất của nội các Obama cũng như đa phần các nhà đầu tư, tuy nhiên ông đã bị mất chức vì bê bối khiến JPMorgan mất 6 tỷ USD trong vụ London Whale, 13 tỷ USD trong vụ dàn xếp tài sản thế chấp với Bộ Tư pháp, các khoản phạt lên tới 18,6 tỷ USD trong năm 2013.
6. CEO Yahoo - Marissa Mayer
Gần 2 năm sau khi nắm quyền cao nhất tại Yahoo, Marissa Mayer cơ bản giúp tương lai của hãng tươi sáng hơn thời kỳ trước nhưng chưa nhiều như mong đợi của các chuyên gia. Lý do chính khiến các nhà đầu tư vẫn còn ủng hộ bà và cổ phiếu Yahoo là tài sản giá trị lớn nhất lúc này: công ty Alibaba tại Trung Quốc, đơn vị do Yahoo nắm cổ phần lớn.
7. CEO BlackBerry - John Chen
BlackBerry đang ngập trong khủng hoảng và công ty cũng chẳng buồn công bố với các nhà đầu tư rằng có bao nhiêu khách hàng lúc này bởi sản lượng điện thoại bán ra quá thấp. Khi kinh doanh thua lỗ không ngừng, BlackBerry phải bán bớt tài sản của mình để hoạt động. John Chen lên thay Thorsten Heins làm CEO BlackBerry và đưa ra kế hoạch tập trung các sản phẩm phần mềm của hãng được nhà đầu tư hưởng ứng. Nhưng đến lúc này, khó khăn vẫn hoàn khó khăn cho nhà sản xuất điện thoại của Canada.
8. CEO HP - Meg Whitman
HP từng rất khó khăn, nhưng giờ đây các nhà đầu tư bắt đầu đặt niềm tin vào hãng nhờ sự có mặt của nữ CEO Meg Whitman. Bà là người cứu HP khỏi cảnh khốn cùng sau nhiều năm ròng chìm trong bê bối, những quyết định nhân sự sai lầm và quản lý kém khiến HP từ một công ty hàng đầu rơi xuống đáy của Thung lũng Silicon. Có thể nói dưới thời của Meg, HP dần lấy lại vị trí của mình.
9. CEO Berkshire Hathaway - người kế vị Warren Buffett
"Nhà hiền triết xứ Ohama" là tỷ phú nổi tiếng thế giới, hòa đồng và không ngại chia sẻ quan điểm trong mọi vấn đề, từ chính sách thuế cho tới lương tối thiểu. Nhưng có một điều mà nhà đầu tư đại tài 83 tuổi của Mỹ chưa từng tiết lộ là ai sẽ thay ông ngồi lên chiếc ghế số một của Tập đoàn Berkshire Hathaway.
Theo CNN, dù người này có là ai thì cũng phải chịu áp lực rất lớn từ danh tiếng và thành công của Warren Buffett và có thể đây là chiếc ghế CEO "khó ngồi" nhất tại Mỹ.
Khánh Linh