Cầu thủ U19 Việt Nam được tuyển thẳng vào đại học
Giữa tuần qua, chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức cùng PSG.TS Huỳnh Trọng Khải, hiệu trưởng trường Đại học sư phạm TDTT TP.HCM cùng đặt bút ký hợp đồng đào tạo đại học cho các cầu thủ học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG.
Theo ông Tấn Anh, Trưởng đoàn bóng đá CLB HAGL, việc hợp tác này đã được manh nha từ cách đây 6 tháng. Khi đó, bầu Đức đã mời đại diện của Đại học sư phạm TDTT TP.HCM lên khảo sát việc học tập, cơ sở vật chất, trường lớp cũng như thăm học viện trước khi tiến hành việc liên kết đào tạo.
|
Bầu Đức muốn các cầu thủ của ông phải có nghề nghiệp khác ổn định bên cạnh việc thi đấu cũng như có khả năng quản lý tài chính. |
Sở dĩ bầu Đức chọn Đại học sư phạm TDTT TP.HCM là vì khi vào học tại đây, các cầu thủ của ông có thể vừa trau dồi văn hóa, sư phạm vừa an tâm đá bóng. Nếu ông chọn một trường đại học về kinh tế thì việc học sẽ không đảm bảo bởi các cầu thủ phải thường xuyên tập luyện, thi đấu.
Theo kế hoạch, 14 cầu thủ của học viện HAGL-Arsenal JMG tham dự giải U19 Đông Nam Á và vòng loại U19 châu Á sẽ được tuyển thẳng vào trường. 5 cầu thủ còn lại của năng khiếu Gia Lai sẽ phải dự thi nếu tốt nghiệp PTTH. Việc học tại Đại học sư phạm TDTT giúp các cầu thủ có 2 hướng lựa chọn.
Thứ nhất, sau khi tốt nghiệp hệ chính quy kéo dài 4 năm, các cầu thủ sẽ có bằng tốt nghiệp về chuyên ngành thể thao, thường là bóng đá, tương đương với bằng A HLV. Vì thế, các cầu thủ nếu không đá bóng có thể trở thành HLV hoặc làm giáo viên giảng dạy bóng đá.
Thứ hai, sau 2 năm học chương trình đại cương nếu các cầu thủ cảm thấy không thích hợp để học sư phạm thể thao có thể rẽ ngang qua ngành khác, về kinh tế hay quản trị kinh doanh.
Để giúp các cầu thủ học bớt nhàm chán, bầu Đức đã yêu cầu thêm vào chương trình đào tạo với 144 tín chỉ một số môn khác như kinh tế thể thao, truyền thông… nhằm giúp họ quản lý đồng tiền một cách tốt nhất sau khi ra trường hay trở thành cầu thủ chuyên nghiệp.