Bức tranh kinh doanh sáng sủa hơn
Theo thống kê của VnExpress.net và đối tác cung cấp dữ liệu Công ty chứng khoán VNDirect, quý I/2014, trong gần 330 doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính, 200 đơn vị có lợi nhuận tăng trưởng so với cùng kỳ, dù ba tháng đầu năm nay thời gian nghỉ lễ kéo dài.
Đặc biệt, 40 doanh nghiệp cùng kỳ năm trước lỗ nhưng năm nay có lãi như Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Bút Sơn (Mã CK: BTS), Công ty Cổ phần Thủy điện miền Trung (Mã CK: CHP), Công ty Cổ phần Tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai (Mã CK: DCT)... Ngoài ra, cũng có gần 50 doanh nghiệp lợi nhuận so với quý I/2013 tăng gấp đôi trở lên.
|
Nhiều doanh nghiệp hết quý I đã hoàn thành 1/3 chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Ảnh: Anh Quân
|
Tại công ty cổ phần Chứng khoán Kim Long (Mã CK: KLS), con số lợi nhuận gần 92 tỷ đồng trong quý I là mức cao nhất từ quý IV/2009 và tương đương 61% kế hoạch đề ra cho cả năm nay. Ông Hà Hoài Nam - Chủ tịch Hội đồng quản trị lý giải, lợi nhuận tăng mạnh là do diễn biến thị trường chứng khoán tốt khi hai chỉ số đều tăng trên 20%.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) quý I lãi hợp nhất hơn 910 tỷ đồng, tăng 90% so với một năm trước. Theo Tổng Giám đốc Trần Tuấn Dương, lợi nhuận tăng chủ yếu do công ty ghi nhận doanh thu bán căn hộ Madarin Garden và mảng sản xuất theo vẫn duy trì lợi nhuận ổn định. So với lợi nhuận kế hoạch đề ra, công ty cũng đã hoàn thành 40%.
Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP HCM (Mã CK: CII) quý vừa qua lãi 93,5 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái nhờ doanh thu phí giao thông và lợi nhuận từ công ty liên kết tăng mạnh. Sau quý này, CII cũng đạt hơn một phần ba kế hoạch lợi nhuận cả năm (bằng 40%).
Theo số liệu của Cục Đăng ký kinh doanh, trong 4 tháng đầu năm, cả nước có 25.729 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 143.408 tỷ đồng, tăng 8% về lượng và 16% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Tổng số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động là 21.489 đơn vị, tăng 9% so với cùng kỳ và bằng 83% số doanh nghiệp xin "khai sinh" . Số doanh nghiệp khó khăn nay quay trở lại hoạt động trong 4 tháng đầu năm 2014 là 5.863 doanh nghiệp. |
Báo cáo tài chính quý I/2014 cho thấy Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina - Mã CK: CSM) đạt gần 102 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Mức lợi nhuận trên cũng bằng một phần ba kế hoạch lợi nhuận cả năm được đại hội cổ đông thông qua. Hay với Công ty cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Mã CK: DPM), Tổng Giám đốc Cao Hoài Dương cũng cho biết quý I/2014, lợi nhuận trước thuế đạt 400 tỷ đồng, bằng 30% mục tiêu.
"Lĩnh vực sản xuất sẽ là điểm sáng chính yếu đối với nền kinh tế Việt Nam", HSBC nhận định. Việt Nam đang đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) trong năm 2014, khi đó, các mức thuế suất xuất khẩu với mặt hàng trọng yếu sẽ giảm, đi đôi với việc cơ sở hạ tầng được cải tảo, các thủ tục hành chính được giảm thiểu, chuỗi cung ứng cho các ngành như gạo, dệt may được tăng cường...
Báo cáo mới công bố của HSBC cũng cho thấy tình hình sản xuất của Việt Nam đang trên đà cải thiện, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng tư cao nhất 3 năm qua, số lượng đơn đặt hàng mới cũng tăng với tốc độ kỷ lục, từ đó hỗ trợ tăng trưởng mạnh sản xuất và hoạt động mua hàng. Trong đó, PMI - chỉ số khái quát các điều kiện hoạt động của ngành sản xuất, đã tăng từ 51,3 điểm trong tháng 3 lên 53,1 điểm trong tháng tư. Theo HSBC, nhu cầu khách hàng tăng lên và giá cả đầu ra hầu như ổn định được cho là đã góp phần làm số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên. Lượng đơn đặt hàng mới từ nước ngoài cũng tăng với tốc độ kỷ lục trong tháng.
Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vẫn rất thận trọng và đặt chỉ tiêu thấp cho kế hoạch của năm nay. Đạm Phú Mỹ đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.384 tỷ đồng, thấp hơn 45% so với mức thực hiện năm 2013 và cũng giảm 35% so với kế hoạch đề ra cho năm ngoái. Lãnh đạo công ty cho rằng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi trong nước nguồn cung vượt cầu mà chi phí lại gia tăng. Ngoài ra, khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), công ty cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ.
Bản tin của Công ty chứng khoán ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) phản ánh sau khi tiếp xúc với Tổng công ty Khí Việt Nam (Mã CK: GAS), lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết lợi nhuận trước thuế công ty mẹ quý I đạt 3.900 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ nhưng đã hoàn thành 31% kế hoạch năm. Năm 2014, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế chỉ 8.683 tỷ đồng, thấp hơn 30% so với thực hiện năm trước.
Lãnh đạo GAS nhận định năm 2014 thị trường khí hóa lỏng (LPG) nội địa sẽ tăng trưởng không cao và phải đối mặt với cuộc cạnh tranh lớn khi một số công ty có vốn đầu tư nước ngoài được hỗ trợ tài chính bởi công ty mẹ để tăng thị phần và cũng có thêm một số nhà cung cấp mới thâm nhập thị trường. GAS cũng dự kiến năm nay không có thêm khách hàng mới tiêu thụ khí khô và không có mỏ khí mới bổ sung vào hệ thống.
Điện Quang dù đã vượt kế hoạch lợi nhuận hơn 130% trong năm 2013 nhưng năm 2014 vẫn đặt chỉ tiêu giảm một nửa. Tượng tự, Casumina năm nay cũng chỉ đặt kế hoạch bằng 60% mức thực hiện năm trước, ngoài ra còn Công ty cổ phần Cao su Đà Nẵng (Mã CK: DRC), Công ty cổ phần Khí hóa lỏng miền Nam (Mã CK: PGS), Tổng công ty cổ phần Vận tải dầu khí (Mã CK: PVT)...
Theo chuyên viên phân tích của VCBS, nhìn chung quý I tình hình kinh doanh của doanh nghiệp bắt đầu có chuyển biến tích cực nhờ kinh tế có nhiều dấu hiệu cải thiện. Các ngành tiếp tục được hưởng lợi từ biến động của các yếu tố đầu vào, nhu cầu ổn định và ít bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế là phân phối khí, điện, cao su săm lốp, dược...
Liên quan đến việc đặt kế hoạch kinh doanh thấp, ông Phan Dũng Khánh - Trưởng phòng phân tích Công ty chứng khoán Maybank KimEng cho rằng đây là chiến lược của doanh nghiệp nhằm giảm bớt rủi ro, bởi khi thị trường biến động vẫn có khả năng hoàn thành chỉ tiêu và báo cáo cổ đông thuận lợi hơn.
Dẫn lại ví dụ năm ngoái nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận vào phút chót, ông Khánh nhận định nhiều đơn vị đến nay đã rút kinh nghiệm. "Nếu lúc đầu đặt kế hoạch kinh doanh cao, đến giữa hoặc cuối năm giảm sẽ tạo dư luận không tốt. Thà đặt kế hoạch kinh doanh thấp, đến giữa năm quan sát tình hình rồi nâng chỉ tiêu, vì dù sao tăng chỉ tiêu cũng mang lại hình ảnh tốt hơn giảm", vị này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh thấp do họ vẫn thận trọng về tình hình kinh tế, sức mua của thị trường chưa hoàn toàn hồi phục. Song, cũng có trường hợp doanh nghiệp nhìn nhau đặt chỉ tiêu. "Trong trường hợp nhiều doanh nghiệp đặt kế hoạch lợi nhuận cao, riêng doanh nghiệp đặt kế hoạch kinh doanh thấp sẽ bị cổ đông ý kiến. Song, trong bối cảnh ai cũng như mình, đều đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng thì dù có thể đạt được kết quả tốt hơn, doanh nghiệp vẫn đặt chỉ tiêu bình bình để có thể vượt kế hoạch đề ra", ông Khánh bày tỏ.
Đánh giá về kết quả kinh doanh các quý sau, vị trưởng phòng phân tích này cho biết doanh nghiệp đã chạy đà tốt trong quý đầu năm thì những quý sau nhiều khả năng sẽ tốt hơn. Bên cạnh đó, điều kiện vĩ mô đang hỗ trợ lớn cho doanh nghiệp khi lãi suất giảm, Chính phủ cũng ban hành nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn...
Phương Linh