140.000 doanh nghiệp 'chưa thể chết'
Ông Đỗ Tiến Thịnh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh cho biết lượng doanh nghiệp chưa thể phá sản còn "tồn kho" hiện còn rất lớn.
Kinh tế khó khăn, sức mua của thị trường yếu và tồn kho ở mức cao, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lâm vào cảnh khó khăn, buộc phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Số liệu của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho hay, giai đoạn 2011 - 2013, lượng doanh nghiệp phải rời thị trường không ngừng tăng, từ mức hơn 43.100 lên 60.700 đơn vị. Sang 5 tháng đầu năm nay, cả nước có gần 27.900 doanh nghiệp ngừng hoạt động hoặc giải thể, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Qua theo dõi toàn bộ bức tranh doanh nghiệp trong nền kinh tế, hiện nay số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải giải thể hoặc tạm ngừng hoạt động chưa có chiều hướng suy giảm - Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đánh giá.
Chỉ tiêu |
2011 |
2012 |
2013 |
5 tháng 2014 |
Số doanh nghiệp thành lập mới |
77.500 |
69.800 |
76.900 |
31.200 |
Số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động |
53.900 |
54.200 |
60.700 |
27.900 |
Số doanh nghiệp đăng ký giải thể |
7.600 |
9.300 |
9.800 |
3.900 |
Nguồn: Cục Quản lý đăng ký kinh doanh
Tuy nhiên, trong số những doanh nghiệp rời thị trường, chỉ một lượng nhỏ đăng ký với cơ quan quản lý, còn nhiều đơn vị “chết lúc nào không hay”. Cụ thể, số lượng làm thủ tục giải thể chỉ nhích từ 7.600 doanh nghiệp năm 2011 lên 9.800 doanh nghiệp năm 2013. Và sang 5 tháng đầu năm, cả nước có hơn 3.900 doanh nghiệp hoàn thành các thủ tục, bên cạnh trên 18.700 đơn vị ngừng hoạt động nhưng không đăng ký hoặc chờ đóng mã số doanh nghiệp.
Theo ông Đỗ Tiến Thịnh - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ nghiệp vụ đăng ký kinh doanh, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, tỷ trọng doanh nghiệp tuân thủ nghĩa vụ giải thể chỉ dao động từ 14 - 17% trong tổng số doanh nghiệp cần giải thể, phá sản. "Đây là một tỷ lệ khá thấp", ông cho biết. Điều này dẫn tới thực trạng cho "tồn kho" một lượng rất lớn các đơn vị không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng vẫn chưa thực hiện giải thể, phá sản... Con số ước tính lên tới khoảng 140.000 doanh nghiệp.
Vị lãnh đạo này cũng nhận định tồn tại nhiều doanh nghiệp "treo" dẫn tới Nhà nước thất thu thuế, người lao động bị xâm hại quyền lợi và làm sai lệch các thông tin thống kê, ảnh hưởng tới sự minh bạch của môi trường kinh doanh. Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Thịnh là do nhận thức pháp luật của nhiều doanh nghiệp còn thấp, ý thức chấp hành các quy định về giải thể, phá sản chưa cao. Bên cạnh đó, chế tài xử lý đối với các chủ doanh nghiệp không chịu chấp hành các quy định chưa đủ răn đe, dẫn tới nhiều cá nhân không quan tâm tới nghĩa vụ này.
|
Nhiều doanh nghiệp không còn hoạt động nhưng vẫn chưa làm thủ tục giải thể, phá sản. Ảnh: Anh Quân
|
Nhưng ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía doanh nghiệp, còn có nguyên nhân khách quan đến từ hệ thống quy định về giải thể, phá sản đang có nhiều bất cập, khiến doanh nghiệp muốn tuân thủ theo quy định cũng rất khó.
Theo đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 140.000 doanh nghiệp không còn hoạt động, một tỷ lệ lớn các đơn vị lâm vào tình trạng phá sản do không thể thanh toán hết các khoản nợ, dẫn tới không thể thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động theo quy trình giải thể. Bên cạnh đó, để thực hiện được quy trình theo đúng Luật Phá sản, mỗi doanh nghiệp cũng phải mất 3-5 năm mới hoàn tất thủ tục. "Điều này dẫn tới tỷ lệ doanh nghiệp đã và đang thực hiện thủ tục phá sản gần như không có ý nghĩa trong thực tế", ông Thịnh nêu.
Cùng quan điểm, Luật sư Phạm Thanh Sơn - Văn phòng Luật sư Nam Hà Nội cũng cho rằng việc quy định chưa cụ thể thời hạn chốt các thủ tục thuế dẫn đến mất nhiều thời gian làm thủ tục giải thể, gây ra tình trạng doanh nghiệp "treo", người đại diện pháp luật không đủ kiên nhẫn để tiến hành các thủ tục đóng cửa mà bỏ mặc doanh nghiệp. "Hiện nay đang tồn tại thực tế doanh nghiệp khai sinh thì dễ, khai tử thì bỏ bẵng, xuất phát từ việc doanh nghiệp thấy rằng nếu bỏ qua thì không bị phạt, nhưng làm thì lại lắm thủ tục", vị này phát biểu.
Để khắc phục tình trạng này, Quốc hội đang bàn về sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Phá sản. Theo chuyên gia Phan Đức Hiếu thuộc Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi sẽ quy định rõ và hợp lý hơn trình tự, thủ tục giải thể doanh nghiệp, bao gồm quyết định giải thể, công bố tình trạng doanh nghiệp đang giải thể, thanh lý tài sản và xóa tên doanh nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Trong thời gian tạm đóng cửa, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục hoàn thành các nghĩa vụ với khách hàng và người lao động.
Dự thảo Luật Phá sản sửa đổi cũng yêu cầu chặt chẽ hơn về các quy định liên quan đến mở thủ tục phá sản, thanh lý tài sản, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp và người yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Không chỉ vậy, trong Nghị quyết 19 ngày 18/3/2014 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do Chính phủ ban hành cũng yêu cầu từ nay tới năm 2015, quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế phải rút ngắn và rút ngắn hơn 5 lần so với hiện nay, từ 872 giờ về còn 171 giờ mỗi năm. Thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp cũng rút xuống tối đa 30 tháng. Văn bản cũng quy định cơ quan nào không hoàn thành nhiệm vụ rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục sẽ phải giải trình trước Chính phủ, Thủ tướng.
Nếu đơn giản hóa những thủ tục hành chính của doanh nghiệp, trong đó có thủ tục về kê khai và quyết toán thuế cho doanh nghiệp quyết định giải thể thì môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ cải thiện vượt bậc, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho hay.
Phương Linh(vnexpress)